Sáng ngày 24/12/2016, trường THCS Bồ Đề đã tổ chức cho em học sinh khối 6 tham quan di tích lịch sử địa phương tại đình Phúc Xá và đình cổ Thanh Am.
Trước tiên, các em được tới thăm đình Phúc Xá tọa lạc tại tả ngạn sông Hồng, ven đoạn đê Ngọc Thụy phía bắc cầu Long Biên.Di tích được xếp hạng: Di tích lịch sử văn hoá quốc gia (năm 1993).
Đình Phúc Xá nằmtrong một khu đất rộng, phía trước là vườn cây xanh. Sau lần đại trùng tu mới đây, người ta mở tam quan ngoại ra đường Ngọc Thụy ở phía đông. Đình nhìn qua lối rộng ra tam quan nội xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu. Sau bức bình phong đắp cuốn thư là cầu đá nối với nhà bia ở giữa hồ bán nguyệt, trên bia ghi tên những người góp công đức tôn tạo đình. Hiện nay, tòa đại bái gồm 3 gian 2 chái nối với hậu cung 5 gian theo hình “chữ Đinh”. Trước mặt là phương đình kiểu 2 tầng 8 mái, hai bên có tả, hữu mạc cũng xây 5 gian, xưa là nơi dạy học, nay để tiếp khách và hội họp.Đình thờ anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và Đào Kỳ - Phương Dung, 2 vợ chồng danh tướng thời Hai Bà Trưng. Theo truyền thuyết địa phương thì đình còn thờ cả 4 vị nữ đại vương gọi là Đại kiên tứ kiệt cùng 3 vị thần Bảo Trung, Minh Khiết, Hiến Trung. Đại đình có ba bệ thờ chính: ở giữa là long ngai và bài vị của Lý Thường Kiệt, bên phải có hai bài vị nhỏ của vợ chồng Đào Kỳ - Phương Dung, bên trái là bài vị của 4 Thánh nương. Phía sau tả mạc còn có đài tưởng niệm ghi tên các liệt sĩ có công với thôn Phúc Xá.
Tạm biệt đình Phúc Xá các em tiếp tục được đi men đê sông Đuống đến với đình làng Thanh Am. Nói về nguồn gốc cái tên của làng Thanh Am thì xa xưa, vào khoảng thế kỉ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan cho vua Mạc, đi qua Thanh Am (xưa gọi là Hoa Am), do chữ Hoa trùng với tên mẹ vua tự trị nên thay bằng chữ Thanh. Đến bây giờ đã đổi thành 4 tổ dân phố, không là thôn làng như trước nữa. Hiện nay, đất của làng đã được lấy làm nhà ở Khu đô thị Việt Hưng nên người dân chủ yếu chuyển từ nghề nông sang các nghề nghiệp khác.
Đình cổ Thanh Am là nơi thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người xưa kể lại rằng, khi Nguyễn Bỉnh Khiêm qua vùng đất Thanh Am, ông đã làm rất nhiều việc cho làng. Khi ông mất, để thể hiện sự tôn kính, nhân dân đã tôn ông làm Thành hoàng làng và lập đền thờ ông. Hiện nay, đình là nơi tổ chức các lễ hội vào 2 ngày mùng 9, 10 tháng Giêng. Lễ hội có tục đi lấy nước ở thánh ở sông Đuống rồi để trong hậu cung. Có rất nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong lễ hội như: kéo co, bắt vịt…. Năm 1990, đình được công nhận Di tích lịch sử.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi tham quan di tích lịch sử địa phương