Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến tham quan là đền Trấn Vũ thuộc phường Thạch Bàn. Đoàn tham quan đã được các cụ, các ông trong Ban di tích lịch sử của đền giới thiệu về lịch sử ra đời và ý nghĩa của đền Trấn Vũ. Thầy và trò nhà trường đã biết được đền Trấn Vũ có tên chữ là “Trấn Vũ quán” hay “ Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Đền Trấn Vũ đã trải qua nhiều đợt tu sửa vào thế kỷ 17, 18 và 20 và đến thời Nguyễn thì được tu sửa và xây dựng lại hoàn toàn. Pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong hai pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn lưu giữ. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh Ba Đình, tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền. Đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp. Tượng cao 3,8m; chu vi 8m; nặng 4 tấn. Tượng ở tư thế ngồi chân buông bệ, lưng thẳng, 2 đùi để hơi doãng, đầu đề trần, mặc áo Long bào đen có đai và 2 bàn chân không giầy, tay để trước ngực, xòe ngón trỏ trong tư thế ấn quyết, gươm Thất Tinh trong tay phải, mũi gươm chống trên lưng Rùa, mắt nhìn thẳng đầy nhãn lực. Ngoài ra, đền còn lưu giữ được 4 bia đá cổ ghi sự tích, trùng tu đền Trấn Vũ; 1 bộ ván in của Đạo giáo, hệ thống hoành phi, câu đối tả cảnh đẹp của đền, ca ngợi công đức của Thánh Trấn Vũ, ngai, bài vị và kiếm lệnh có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Điểm dừng chân thứ hai trong chuyến tham quan là đình Thổ Khối thuộc phường Cự Khối. Tại đây, các thầy cô giáo và các em học sinh đã dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính tới thành hoàng làng. Cùng với đó, đoàn tham quan đã được các cụ, các ông trong Ban di tích lịch sử của đình giới thiệu về lịch sử ra đời và ý nghĩa của đình Thổ Khối;
Đình làng Thổ Khối hiện nay còn lưu giữ 73 đạo sắc phong của các triều đại vua trước đây, trong đó có 3 đạo sắc phong được sao lại và 6 đạo sắc phong cho Nhị vị Thánh Bà (Xuân Dung phu nhân và Tùng Hoa phu nhân). Trải qua năm tháng và nhiều lần tu sửa, đình Thổ Khối hiện chỉ còn lưu giữ được 5 tấm bia đá tạm đủ để chúng ta có thể tìm hiểu được lịch sử hình thành, tồn tại và quá trình thay đổi ngôi đình. Đặc biệt hơn khi nghiên cứu phần Minh văn chữ Hán còn cho biết được tình hình làng xã đương thời như việc đóng góp sức người, sức của để trùng tu di tích, việc phân chia, mua bán đất, việc phân định các giáp trong làng để tiện cho việc thờ cúng các vị Thần…
Đình làng là nơi nhân dân tín ngưỡng thờ phụng và tôn vinh đức thánh thành hoàng làng. Đã nhiều đời nay, đình làng là trung tâm văn hóa tâm linh có truyền thống lâu đời của nhiều thế hệ người dân Thổ Khối và nhân dân Thập tam trại nói riêng và nhân dân phường Cự Khối nói chung, là nơi tổ chức và hội tụ các lễ nghi lễ hội, nơi sinh hoạt cộng đồng văn hóa thể thao.
Qua hoạt động trải nghiệm này, các em học sinh đã tiếp thu được những kiến thức bổ ích, lí thú, góp vào hành trang tri thức của mình về di tích lịch sử văn hóa địa phương, về truyền thống đấu tranh kiên cường của cha ông. Đồng thời buổi tham quan cũng góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, từ đó khơi dậy trong các em lòng tự hào và ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương Long Biên ngày một giàu đẹp hơn.
Một số hình ảnh của hoạt động trải nghiệm: